Giới thiệu Thinkpad T470s
Nếu nói đến ThinkPad thì dòng máy bán chạy nhất và huyền thoại nhất vẫn là dòng ThinkPad T, cụ thể hơn là T4xx Series. Phiên bản mới nhất của ThinkPad T4xx là T470 nhưng trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau xem qua phiên bản được "giảm cân" của T470 tức T470s. Chiếc máy vẫn có thiết kế y hệt T470, chỉ là mỏng hơn và nhẹ hơn, đáp ứng nhu cầu di động tốt hơn trong khi vẫn giữ được những thứ làm nên tên tuổi của dòng ThinkPad T như chất lượng chế tạo cao, bền bỉ, màn hình đẹp và bàn phím "bá đạo". Ngoài ra, đây cũng là chiếc máy được bán chính hãng qua hệ thống siêu thị điện máy, mình tham khảo giá cho cấu hình trong bài là 28,9 triệu đồng.
Thiết kế bền bỉ, đậm chất Think T nhưng mỏng và nhẹ:
Mình có cơ hội dùng qua nhiều dòng ThinkPad và ấn tượng nhất vẫn là dòng T400 series bởi nó được xem là tiêu chuẩn của Think, đây cũng là dòng ThinkPad lâu đời nhất, phổ biến nhất và có nhiều fan nhất tính đến hiện tại. Trong dòng T hiện tại có 3 phiên bản là T470, T470s, T470p và T570. Trong số các phiên bản này thì T470s là phiên bản di động nhất, nguồn gốc là từ dòng T400s ra mắt cách đây gần 8 năm và phiên bản T470s năm nay nâng cấp từ T460s với một số thay đổi về cấu hình và công nghệ, riêng thiết kế thì không khác nhiều.
ThinkPad T470s và cơ mưa nhỏ chiều qua.
Vẻ ngoài của T470s hoàn thiện nhám với chất liệu soft-touch nhưng bền bỉ hơn so với chất liệu của các dòng ThinkPad xưa, không còn bị chảy và khó bong tróc hơn qua thời gian sử dụng. Màu đen xì của ThinkPad rất đặc trưng, nhìn vào còn thấy nó lấp lánh với một số hạt sáng màu nghiền trong vật liệu phủ. Màu đen của ThinkPad có người thích có người rất ghét bởi sự đơn điệu nhưng IBM hay Lenovo bây giờ có ly do để giữ lại màu đen và thiết kế tối giản này bởi trong môi trường doanh nghiệp, một chiếc máy trung tính sẽ không gây nhiễu cho người sử dụng cũng như người xung quanh.
T470s nằm trên T570 mình đang dùng.
Vật liệu chế tạo vỏ máy gồm 2 phần, nắp máy bằng sợi carbon pha nhựa và thân máy bằng magnesium (ma giê), hỗn hợp vật liệu này khiến T470s cũng như những dòng ThinkPad T nói chung trở nên nhẹ hơn và bền hơn. Trọng lượng của T470s là 1,3 kg, so với T470 thì nhẹ hơn khoảng 300 g nhưng vẫn nặng hơn khoảng 100 g so với ThinkPad X1 Carbon 2017. Với kích thước 14" thì T470s đủ nhỏ gọn để mang theo khi chiều dài máy là 331 mm, ngắn hơn khoảng 25 mm so với T470 và độ mỏng là 18,8 mm, mỏng hơn 2 mm so với T470 và dày hơn 2,5 mm so với ThinkPad X1 Carbon. Như vậy trong số các dòng ThinkPad hiện tại thì T470s xếp thứ 2 về độ nhỏ gọn nhẹ.
Mặc dù vậy, T470s vẫn có độ bền cao, Lenovo cho biết chiếc máy đã vượt qua 12 bài thử nghiệm chuẩn quân sự và hơn 200 quy trình kiểm tra chất lượng. Nắp máy khá mỏng và mình đã thử nhấn đè nhưng rất ít lún, chưa kể là bản lề bằng thép nổi tiếng trâu bò của ThinkPad. Nói về bản lề thì nó cho phép bạn mở màn hình ra một góc 180 độ như mọi dòng ThinkPad khác. Tuy nhiên do khớp bản lề khá chặt nên việc mở máy bằng một tay là không thể.
Đáy máy liền khối, được cố định với một vài con ốc và nhìn từ đáy máy có thể thấy cổng kết nối dock quen thuộc, 2 loa và các khe lấy gió cho hệ thống tản nhiệt. Như vậy để nâng cấp, thay đổi phần cứng thì chúng ta buộc phải tháo toàn đáy máy, pin cũng tích hợp bên trong luôn.
Thunderbolt 3 là kết nối giá trị nhất!
Các cổng kết nối trên ThinkPad T470s rất đầy đủ và cao cấp với cạnh phải gồm Thunderbolt 3 (USB-C), USB 3.0 (USB-A), HDMI 1.4b, USB 3.0 (USB-A) có tính năng luôn bật để hỗ trợ sạc pin cho thiết bị di động ngay cả khi đã tắt máy và cổng LAN (RJ-45). Cạnh trái gồm khe đọc thẻ SD, jack âm thanh 3,5 mm combo, thêm một cổng USB 3.0 (USB-A) nữa và cổng sạc.
Một số điểm đáng chú ý về trang bị cổng kết nối trên ThinkPad T470s là cổng Thunderbolt 3 (40 Gbps) cùng với USB 3.1 Gen2 (10 Gbps) đã xuất hiện. Cổng này cho phép chúng ta sử dụng với các loại dock gắn ngoài của ThinkPad cũng như dock card đồ họa. Đây là một trang bị hợp lý trên dòng laptop doanh nghiệp này.
Bàn phím gõ cực sướng, trackpoint dễ dùng, bàn rê xịn nhưng nhỏ, cảm biến vân tay khá tốt:
Điều may mắn là dù được làm mỏng hơn so với phiên bản tiêu chuẩn là T470 nhưng bàn phím của T470s vẫn không bị thay thế. Layout và cảm giác gõ vẫn tương tự những gì mình từng được trải nghiệm trên những dòng ThinkPad cũ hơn, điển hình nhất là T450s, phiên bản tiền nhiệm của T470s mà mình từng trên tay cách đây gần 2 năm. Cảm giác gõ này rất đặc trưng bởi hành trình phím rất sâu, đến 2 mm và cấu trúc xương phím cắt kéo rất chắc chắn khiến phím không bị chao lắc khi gõ nhanh.
Thêm vào đó cảm giác nhấn rất rõ ràng với điểm kích hoạt khoảng 1,7 mm của hành trình, lúc này vòm cao su bên dưới đã bắt đầu nẩy lên lại. Nhờ đó dù hành trình sâu, bạn vẫn có thể gõ nhanh và chính xác mà không cần phải nhấn hẳn phím xuống (bottom out).
Thiết kế phím quen thuộc với các phím chữ U, kích thước 15 x 15 mm và bề mặt keycap hơi lõm nhẹ vừa vặn với đầu ngón tay. Layout phím vẫn y hệt phiên bản T460s. Các phím điều hướng vẫn to, dễ bấm, các phím chức năng đầy đủ và tiện dụng cho môi trường làm việc như tắt mic, tắt tiếng, trình chiếu, khóa bàn phím và tắt mở các kết nối riêng biệt. Bàn phím hỗ trợ đèn backlit với 2 mức sáng, do keycap trồi lên hẳn so với vỉ phím nên ánh sáng đèn sẽ lọt ra ngoài nhiều. Sử dụng ban đêm thì anh em nên chỉnh mức 1 để bớt chói.
TrackPoint - núm đỏ đặc trưng của ThinkPad vẫn còn đó và chất lượng của nó cũng không thay đổi khi mang lại trải nghiệm sử dụng quen thuộc. Thao tác điều khiển dễ dàng, không bị cứng hay lì khi lắc đầu ngón tay và độ chính xác cao (nếu anh em dùng quen sẽ thấy thích). Đi kèm với TrackPoint là 3 phím chuột trái phải và chuột giữa nằm ngay trên bàn rê. Hệ thống phím này có độ nẩy tốt, không cần tốn nhiều lực nhấn.
Bàn rê trên T470s lại khá nhỏ, kích thước của nó là 100 x 57 mm dù vẫn đủ không gian để thực hiện các thao tác đa điểm với 4 ngón. Đáng ra kích thước bàn rê có thể đạt 100 x 67 mm nhưng Lenovo lại thiết kế một cái "rảnh" phân tách giữa cụm phím dành cho TrackPoint. Phần rảnh này xuôi xuống nên nhiều khi đang cuộn lên trên, ngón tay trượt xuống rảnh này khá "tụt hứng". Lenovo đã kịp sửa sai với thiết kế này trên T470 nhưng với T470s thì vẫn không khác gì so với T460s.
Bàn rê do Synaptics sản xuất với bề mặt nhẵn mịn, cảm giác chạm rất thích tay và độ nhạy cao nhờ sử dụng driver Microsoft Precision Touchpad. 2 phím chuột được tích hợp bên dưới bàn rê, nông nhưng độ nẩy tốt thành ra khi nhấn thì bàn rê không bị chênh nhiều về 1 bên, cảm giác nhấn tách bạch.
Cảm biến vân tay 1 chạm được đặt ngay cạnh bàn rê và có đèn báo trạng thái phía trên. Cảm biến này có độ nhạy khá tốt, mình thử khóa và mở khóa liên tục 10 lần thì 8 lần vào ngay, 2 lần phải thử lại lần thứ 2. Thời gian từ khi chạm đến khi vào màn hình Desktop khoảng 2 giây, vẫn chưa đủ nhanh như cảm biến vân tay trên điện thoại.
Màn hình viền không mỏng, chất lượng tấm nền trung bình, âm thanh lớn:
Thiết kế màn hình của T470s không thay đổi nhiều kể từ phiên bản T450s, Lenovo vẫn chưa đưa thiết kế viền siêu mỏng của dòng ThinkPad X1 Carbon lên T470s và đây là một điều rất đáng tiếc. Viền 2 bên dày khoảng 10 mm và viền trên dày 18 mm còn viền dưới dày đến 23 mm. Nếu như viền dưới buộc phải dày để chứa các mạch kết nối với màn hình thì viền trên dày khá vô duyên khi cụm webcam và mic chỉ chiếm chưa đến 10 mm.
Phiên bản T470s mình đánh giá được trang bị màn hình 14" với tấm nền IPS mang mã B140HAN02.4 do AUO Optronics sản xuất. Tấm nền này có độ phân giải FHD (1920 x 1080 px), ngoài ra Lenovo cũng cung cấp tùy chọn phân giải WQHD (2560 x 1440 px) nhưng không rõ có bán phiên bản này ở các đại lý hay không. Với kích thước 14" thì độ phân giải FHD đủ mang lại độ nét cao, ở cự ly sử dụng bình thường sẽ khó thấy được điểm ảnh.
Nói về chất lượng hiển thị của tấm nền này thì mình đo bằng Spyder4 cho thấy nó có độ sáng tối đa 243 nit - chỉ vừa đủ dùng, lý tưởng phải trên 300 nit. Độ tương phản cao với 790:1 ở độ sáng 100% và 28770:1 ở độ sáng 25%. Khả năng tái tạo màu đen cũng rất tốt với black level cao nhất 0.31 và thấp nhất là 0.1 rất lý tưởng ở độ sáng 50%. Ở 100% độ sáng, vùng dưới màn hình so với trung tâm có độ sáng giảm đáng kể từ 11 đến 15% so với vùng trung tâm, trong khi đó các vùng khác chỉ suy giảm khoảng 4 - 7%. Tỉ lệ Gamma rất chuẩn khi đo ra ngay 2.2, sai lệch chỉ 0.07.
Độ bao phủ màu sắc không cao với chỉ 45% Adobe RGB, 61% sRGB và 43% NTSC. Độ chính xác màu theo thang Delta-E trung bình 6.8 - ở ngưỡng mà mắt thường có thể nhận ra được. Do đó chất lượng hiển thị của màn hình này chỉ ở mức chấp nhận được với người dùng văn phòng, có nhu cầu giải trí cơ bản với phim ảnh. Bạn không nên dùng màn hình của T470s để làm hình ảnh hay đồ họa bởi màu sắc bị sai nhiều. Chẳng hạn như màu vàng hơi đậm, màu hồng bị nhạt đi đáng kể, màu đỏ không được tươi mà hơi thành đỏ gạch, màu lam hóa xanh da trời.
T470s được trang bị 2 loa 1 W đặt tại đáy máy và âm lượng đầu ra tối đa khoảng 72 dB, khá lớn đối với một chiếc máy Ultrabook. Chất lượng âm thanh không thể đòi hỏi cao đối với một chiếc máy văn phòng, dải mid tốt và rõ phù hợp để hội thoại nhưng treble và bass đều rất yếu. Treble hơi chói khi mở tối đa âm lượng, bass thì vẫn nghe được tiếng thụp thụp nhưng thều thào. Nhìn chung chất lượng âm thanh chấp nhận được đối với một chiếc máy văn phòng như T470s.
Hiệu năng:
####
Tech Specs: Thinkpad T470s | |||||||
Processor | Intel® Core™ i7 7600U | ||||||
Chip Set | Kaby Lake | ||||||
Operating System | Windows 10 Pro | ||||||
Graphics | Integrated Intel® HD Graphics 620 | ||||||
Memory | 8 GB DDR4 2133 MHz | ||||||
Hard Drive | 256 PCIe SSD OPAL2.0 | ||||||
Optical Drive | None | ||||||
Display | 14” FHD (1920 X 1080) IPS | ||||||
Battery | 2pin 3-cell lithium ion | ||||||
Camera | 720p HD webcam with microphone | ||||||
Weight | (1.3 kg) | ||||||
Ethernet,Wireless | Intel® Dual Band 8265 Wireless AC (2 x 2),Bluetooth® 4.1 with vPro™ | ||||||
Colors | Black | ||||||
Ports | 3 x USB 3.0 1 x USB Type-C / Thunderbolt™ 3 port 3.5 mm Combo Audio Jack 1 x HDMI™ 1 x RJ45 Gigabit LAN 1x CS13 Docking 1 x Media Card Reader (SD 3.0, UHS-I) 1 x Smart Card Reader (Optional) 1x Micro SIM |
####